Du lịch không gian: Không chỉ cần nhiều tiền
Không gian sẽ sớm trở thành nơi cho những du khách muốn có trải nghiệm đáng nhớ, dĩ nhiên họ phải có nhiều tiền và tuân thủ điều kiện khá khắc nghiệt về sức khỏe
Tỉ phú Richard Branson của hãng Virgin Galactic và nhà sáng lập Tập đoàn Amazon Jeff Bezos đã có những bước đi đầu tiên giúp mở đường cho ngành du lịch vũ trụ trong tương lai.
Không dành cho tất cả
Không lâu sau khi tỉ phú người Anh Richard Branson bay đến rìa không gian bằng tàu vũ trụ VSS Unity và quay trở lại trái đất đầu tháng này, tỉ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos cũng đã hoàn thành giấc mơ chinh phục không gian bằng tàu New Shepard hôm 20-7.
Theo đài CNN, sau khi thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên, Công ty Blue Origin của tỉ phú Bezos đã lên kế hoạch thực hiện thêm 2 chuyến bay nữa cho những khách hàng trả tiền trong năm 2021.
Để tham gia chuyến du lịch không gian, hành khách cần phải có hình thể phù hợp và đủ điều kiện sức khỏe cần thiết, đồng thời hoàn thành khóa đào tạo của các công ty này.
Hãng Virgin Galactic cần thời gian đào tạo kéo dài 5 ngày, du khách tương lai sẽ được học cách thích nghi trong môi trường không trọng lực và thoải mái trong khoảng thời gian di chuyển với vận tốc cao. Hãng này cũng sẽ đề nghị chuyên gia y tế về không gian đưa ra lời khuyên, trợ giúp cũng như kiểm tra thể lực hành khách trước chuyến bay.
Trong khi đó, Blue Origin sẽ huấn luyện cho các khách hàng tiềm năng mọi thứ họ cần biết cho chuyến thăm vũ trụ trong lịch trình đào tạo chỉ một ngày dù chưa cho biết thông tin chi tiết.
Blue Origin yêu cầu những người tham gia có thể leo lên 7 bậc thang (chiều cao của tháp phóng) trong vòng dưới 90 giây. Ngoài ra, các "nhà du hành" tương lai cũng phải đáp ứng điều kiện từ cao 1,52 m và nặng 50 kg đến cao 1,93 m và nặng 100 kg.
Các thành viên phi hành đoàn và tỉ phú Jeff Bezos trong trạng thái không trọng lực trên tàu vũ trụ New Shepard trong chuyến bay hôm 20-7. Ảnh: REUTERS
Những tấm vé đầu tiên do Virgin Galactic bán ra sẽ có giá từ 200.000 đến 250.000 USD/vé. Tuy nhiên, công ty của tỉ phú Branson lưu ý rằng chi phí có thể tăng lên trong tương lai. Tính đến nay công ty đã bán được 600 vé.
Còn Blue Origin hiện vẫn chưa công bố giá vé cho chuyến tham quan không gian. Tuy nhiên, để cạnh tranh với Virgin Galactic, giá vé của công ty tỉ phú Bezos chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều số tiền 28 triệu USD mà một người giấu tên từng bỏ ra trong cuộc đấu giá để có được một chỗ ngồi trên chuyến bay hôm 20-7 (dù người này vào phút cuối đã hủy chuyến do không thu xếp được).Virgin Galactic cho biết họ sẽ thực hiện các chuyến bay thương mại thường xuyên từ năm 2022, sau hai chuyến bay thử nghiệm khác trong thời gian tới. Mục tiêu đầy tham vọng của công ty này là khoảng 400 chuyến mỗi năm. Về phần Blue Origin, người phát ngôn của công ty trước đó đã cho hay họ có kế hoạch bắt đầu chuyến bay thương mại vào năm 2022.
Tham vọng lớn
Đối với những người có ngân sách khiêm tốn hơn, họ có thể cân nhắc chi 125.000 USD cho một chỗ ngồi trên Spaceship Neptune, khoang tàu có cửa sổ 360 độ và được nâng lên bầu khí quyển bằng khinh khí cầu khổng lồ có kích thước bằng một sân vận động bóng bầu dục.
Tuy nhiên, chuyến bay này chỉ đạt độ cao khoảng 30 km, thấp hơn nhiều so với rìa không gian và chưa đủ để du khách trải nghiệm cảm giác không trọng lực. Công ty Space Perspective sở hữu Spaceship Neptune có trụ sở tại Florida - Mỹ đã cho đặt chỗ chuyến đi đầu tiên, dự kiến cất cánh vào năm 2024.
Công ty của tỉ phú Elon Musk cũng đang tham gia vào cuộc đua du lịch vũ trụ nhưng có kế hoạch về những hành trình xa hơn nhiều. Chi phí chuyến đi cũng được dự đoán là rất cao, lên đến hàng chục triệu USD.
Đối với nhà sáng lập Amazon, các sứ mệnh du lịch dưới quỹ đạo của Blue Origin chỉ đơn thuần là cầu nối cho những tham vọng lớn hơn về cuộc phiêu lưu trong vũ trụ. Ông Bezos cho rằng các nền văn minh trên trái đất đang đứng trước một cuộc khủng hoảng cung cấp năng lượng mà điều đó chỉ có thể được giải quyết bằng cách khai thác các nguồn tài nguyên ngoài địa cầu.
Theo tỉ phú Bezos, con người cần phải di chuyển ngành công nghiệp nặng và ngành công nghiệp gây ô nhiễm như năng lượng và sản xuất vi mạch ra khỏi trái đất. Tỉ phú Mỹ hy vọng tương lai sẽ có hàng triệu người sống và làm việc trong không gian, có thể là bên trong các trạm vũ trụ khổng lồ.
Trong khi đó, tỉ phú Branson hy vọng công nghệ tàu vũ trụ siêu thanh của mình có thể được sử dụng trong ngành kinh doanh du lịch, giúp việc đi lại của con người trên toàn cầu sẽ được rút ngắn thời gian hơn nhiều so với các chuyến bay thương mại hiện nay. Chiếm ưu thế hơn trong lĩnh vực hàng không, Công ty SpaceX của tỉ phú Musk đang chế tạo và thử nghiệm một tên lửa khổng lồ mà ông mô tả sẽ đưa những người đầu tiên lên Sao Hỏa và cung cấp cho nhân loại phương tiện để thiết lập một khu định cư lâu dài ở đó.
Bất chấp tầm nhìn lớn của các tỉ phú, giới quan sát chỉ trích việc theo đuổi tham vọng của giới siêu giàu nói trên không giúp ích cho cộng đồng thế giới vốn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, đại dịch…
Định nghĩa về rìa không gian
Từ trước chuyến bay của tỉ phú Branson, Công ty Blue Origin của tỉ phú Bezos thông báo trên Twitter rằng tàu vũ trụ của Blue Origin đạt độ cao lớn hơn tàu VSS Unity của Công ty Virgin Galactic nên hành khách của Virgin Galactic không phải là những phi hành gia thực sự.
Đến nay vẫn chưa có một tiêu chuẩn chung cũng như định nghĩa pháp lý nào về khu vực rìa không gian, nơi bầu khí quyển trái đất mỏng dần và nhường chỗ cho môi trường không trọng lực. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA), quân đội Mỹ và Cục Hàng không Liên bang Mỹ quy định vùng rìa không gian là ở độ cao khoảng 80 km từ mặt đất. Chuyến bay của Công ty Virgin Galactic đã vượt mốc này trước khi quay trở lại mặt đất nên nếu tính theo tiêu chuẩn trên thì nó đã bay vào vũ trụ.
Đăng bình luận